Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/5/2021 của Toà án nhân dân huyện Nam Giang.

          * Công tác hướng dẫn, giải thích cho bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và các đương sự khác biết về quyền được TGPL:

          Toà án nhân dân huyện Nam Giang Căn cứ vào các Điều 71, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 9, Điều 48, Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 19, Điều 61 Luật tố tụng hành chính; Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 để thực hiện trách nhiệm thông báo, giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về quyền được TGPL.

          – Đối với án Hình sự: Thư ký được phân công nhận hồ sơ và thụ lý vụ án có trách nhiệm rà soát và xem xét hồ sơ vụ án đã có đầy đủ thủ tục TGPL đối với những người tham gia tố tụng thuộc diện được trợ giúp pháp lý của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện (viết tắt là Cơ quan CSĐT) hay Viện kiểm sát nhân dân huyện (viết tắt là VKSND) hay chưa. Nếu Cơ quan CSĐT và VKSND chưa thực hiện các thủ tục TGPL đối với những người tham gia tố tụng thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì Thư ký được phân công thụ lý vụ án tham mưu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (Viết tắt là Thẩm phán) có trách nhiệm chuyển cho bị can, bị cáo, bị hại, đương sự đọc Bản thông tin về người được TGPL theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10. Trường hợp bị can, bị cáo, bị hại, đương sự không tự đọc được thì Thẩm phán có trách nhiệm thông báo cho họ biết. Trường hợp bị can, bị cáo, bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL thì Thẩm phán có trách nhiệm giải thích về quyền được TGPL theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng. Việc giải thích được thực hiện kịp thời, đầy đủ, bằng ngôn ngữ dễ hiểu để bị can, bị cáo, bị hại, đương sự hiểu rõ về quyền được TGPL miễn phí. Khi Thẩm phán giải thích về quyền được TGPL miễn phí cho bị can, bị cáo, bị hại, đương sự khác thuộc diện được TGPL phải lập Biên bản theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10. Biên bản giải thích được lưu tại hồ sơ vụ án.

– Đối với án Dân sự: Thư ký được phân công thụ lý vụ án có trách nhiệm tham mưu cho Thẩm phán giải thích quyền được TGPL cho những người tham gia tố tụng thuộc diện được TGPL. Trình tự, thủ tục hướng dẫn, giải thích cho những người tham gia tố tụng thuộc diện được trợ giúp pháp lý giống như án hình sự.

– Đối với án Hành chính: Không có thụ lý.

* Việc vào sổ theo dõi vụ việc TGPL:

          Thực hiện đầy đủ việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10, đồng thời Toà án nhân dân huyện Nam Giang cũng lập 01 sổ đăng ký và cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

          * Việc thông tin, thông báo về người được TGPL đến Trung tâm TGPL hoặc chi nhánh của Trung tâm TGPL theo Thông tư liên tịch số 10:

Bị can, bị cáo, bị hại, đương sự thuộc đối tượng được TGPL theo quy định tại Mẫu số 01 Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10 và có yêu cầu TGPL thì Thẩm phán có trách nhiệm hướng dẫn cho bị can, bị cáo, bị hại, đương sự làm Đơn yêu cầu TGPL và nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình là người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Sau khi bị can, bị cáo, người bị hại, đương sự  giao nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ yêu cầu TGPL thì Thẩm phán ban hành Thông tin và Thông báo về TGPL cho Trung tâm TGPL để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 10. Việc Thông tin được thực hiện theo Mẫu số 04 và Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án.

          * Công tác phối hợp với Trung tâm TGPL trong niêm yết Bảng thông tin TGPL, tờ thông tin TGPL, mẫu đơn TGPL tại nơi tiếp công dân hoặc địa điểm công dân dễ tiếp cận:

Việc niêm yết bảng thông tin TGPL, tờ thông tin TGPL, mẫu đơn TGPL được Toà án huyện chú trọng; ngoài bảng thông tin về TGPL do Trung tâm TGPL cấp phát, Lãnh đạo Toà án nhân dân huyện còn cho in ấn thêm các bảng thông tin về TGPL đặt tại những nơi tiếp công dân để đối tượng được TGPL dễ nắm bắt thông tin. Việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự, bị can, bị cáo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng.

* Công tác thông báo đăng ký tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý:

          – Trong tố tụng hình sự:

          + Đối với đăng ký người bào chữa cho bị can, bị cáo: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 10, Thẩm phán có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người thực hiện TGPL, Viện kiển sát nhân dân huyện, bị can, bị cáo và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa.

+ Đối với đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 10, Thẩm phán có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự thì vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, gửi ngay văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, Viện kiển sát nhân dân huyện, đương sự và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự vào hồ sơ vụ án; nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

– Trong tố tụng dân sự việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 10, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và gửi lại cho người thực hiện TGPL, nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

* Việc tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL trong việc đăng ký tham gia tố tụng, cấp các quyết định tố tụng, xác nhận thời gian tham gia tố tụng; tiếp xúc với người được TGPL khi họ có yêu cầu; việc ghi nhận ý kiến của người thực hiện TGPL trong các văn bản tố tụng:

Khi có đối tượng thuộc diện TGPL yêu cầu TGPL miễn phí thì người tiến hành tố tụng hoàn tất các giấy tờ theo quy định và ra văn bản thông báo cho Trung tâm TGPL, ra văn bản thông tin cho Trung tâm TGPL khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp. Toà án đã thực hiện nghiêm túc việc giao các văn bản tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Toà án còn tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sự thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về TGPL. Thực hiện việc đăng ký, thông báo đăng ký tham gia tố tụng và tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tiếp cận nghiên cứu hồ sơ theo quy định, giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL được cử tham gia tố tụng.

Toà án Thông báo lịch xét xử bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức bảo đảm, chuyển trực tiếp hoặc bằng hình thức khác cho Trung tâm TGPL và người thực hiện TGPL đã đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử, đối với việc xét xử theo thủ tục rút gọn thì ít nhất 07 ngày trước ngày xét xử;

Ghi rõ trong quyết định xét xử, bản án, biên bản phiên toà về họ và tên, chức danh của người thực hiện TGPL do Trung tâm TGPL cử; ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cho người được trợ giúp pháp lý trong bản án và biên bản phiên toà.

* Số lượng vụ, việc về Trợ giúp pháp lý:

Kết quả từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/5/2021, tổng số người thuộc diện trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý là: 09 người; số người thuộc diện trợ giúp pháp lý nhưng không yêu cầu trợ giúp pháp lý: 23 người.

* Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc:

+ Thuận lợi:

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý quy định về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụngngày càng hoàn thiệnđã tạo thành hệ thống pháp luật toàn diện, thống nhất và đồng bộ cho việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân.

– Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng tiếp tục được duy trì. Toà án huyện đã phối hợp tốt với Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người được Trợ giúp pháp lý, việc tiếp nhận, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo trong giai đoạn xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tiếp cận nghiên cứu hồ sơ theo quy định, giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL được cử tham gia tố tụng.

– Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý là những người có năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, nhiệt tình trong công tác, công tâm, không ngại khó, ngại khổ, có bản lĩnh trong thực thi công vụ, thể hiện được đầy đủ vai trò, vị trị của người bào chữa, bảo vệ, đại diện trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

+ Khó khăn:

          Số lượng vụ việc có đối tượng thuộc diện được TGPL còn thấp so với số vụ việc thụ lý. Việc hướng dẫn quyền được TGPL cho đương sự còn hạn chế, phần lớn mới chú trọng đối với các vụ án hình sự. Khi Toà án triệu tập các đương sự đến Toà án để hướng dẫn thủ tục TGPL thì đương sự không đến để thực hiện quyền được TGPL của mình.

+ Vướng mắc:

Về đối tượng được trợ giúp: Đối với đối tượng là hộ nghèo hiện còn gây nhiều tranh cãi do chuẩn nghèo thường xuyên thay đổi, danh sách hộ nghèo cũng thay đổi, việc cấp giấy chứng nhận hộ nghèo ở các địa phương thực hiện không nghiêm nên ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự.

* Giải pháp về công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian đến:

– Tiếp tục quán triệt sâu rộng Thông tư liên tịch 10 đến toàn thể các chức danh tư pháp tại đơn vị; kịp thời giải thích cho bị can, bị cáo, đương sự khác biết về quyền được trợ giúp pháp lý; niêm yết các bảng thông tin về trợ giúp pháp lý ở những nơi người dân dễ dàng tiếp cận. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tập trung phát triển nguồn Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên chất lượng trong thời gian sắp đến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về hoạt động TGPL trong thời gian sắp tới.

– Cần tăng cường hơn nữa về số lượng và chất lượng người trợ giúp pháp lý, đặc biệt đối với những người có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, Trung tâm trợ giúp pháp lý phải thường xuyên thông báo danh sách và các thông tin của người trợ giúp pháp lý cho cơ quan tố tụng để có sự phối hợp kịp thời.

          – Để công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao cần phải chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng hiểu đúng và đầy đủ về trợ giúp pháp lý và có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp thực hiện.

 

Tác giả: Lê Thị Linh Giang – Thư ký Toà án.

X