Đấu tranh, phòng ngừa và xử lý đúng quy định pháp luật đối với tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Hiện nay, tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển bình thường của các loài động vật trên địa bàn huyện Nam Giang nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung. Việc đấu tranh, phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này đã, đang và sẽ trở thành yêu cầu cấp bách.

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Nam Giang đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh S, sinh năm 1978 tại huyện H, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú tại thôn T, thị trấn T, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; Nghề nghiệp: Làm nông; bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Giang truy tố về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Viết tắt là BLHS).

Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2013 bị cáo S đi buôn bán dọc Quốc lộ 14D thuộc xã Cà Dy, xã Tà Bhing của huyện Nam Giang, đổi bánh, kẹo với mấy cháu nhỏ để lấy về nuôi 15 (mười lăm) cá thể Rùa hộp trán vàng miền trung và 04 (bốn) cá thể Rùa sa nhân. Ngoài ra vào khoảng tháng 7/2019, tháng 8/2019, bị cáo S có mua được một số động vật rừng đã chết gồm: 01 (một) cá thể Cầy gấm, 01 (một) cá thể Chồn bạc má bắc, 02 (hai) cá thể Cầy vòi mốc, 03 (ba) cá thể Cheo cheo, 04 (bốn) cá thể Cầy vòi hương, 04 (bốn) cá thể Sóc bay trâu, rồi bỏ tất cả vào tủ lạnh của gia đình để lưu giữ, nhằm mục đích làm đám cưới cho con. Đến ngày 23/10/2019, Tổ công tác của Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra nhà của bị cáo S thì lúc này S mới tự nguyện giao nộp tất cả số động vật rừng đang nuôi nhốt và tàng trữ gồm: 15 (mười lăm) con Rùa hộp trán vàng miền trung; 04 (bốn) con Rùa sa nhân; 01 (một) cá thể Cầy gấm; 01 (một) cá thể Chồn bạc má bắc; 02 (hai) cá thể Cầy vòi mốc; 03 (ba) cá thể Cheo cheo; 04 (bốn) cá thể Cầy vòi hương; 04 (bốn) cá thể Sóc bay trâu. Tại Kết luận giám định động vật số: 921/STTNSV ngày 30/10/2019 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thì chủng loại cá thể động vật rừng bị thu giữ nêu trên gồm: – 01 (một) cá thể thú (đã chết) là loài Cầy gấm (có tên khoa học là Prionodon pardicolor) và 15 (mười lăm) cá thể Rùa hộp trán vàng miền trung (có tên khoa học là Cuora bourreti) đều thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ; – 01 (một) cá thể thú (đã chết) là loài Chồn bạc má bắc (có tên khoa học là Melogale moschata), 02 (hai) cá thể thú (đã chết) là loài Cầy vòi mốc (có tên khoa học là Paguma larvata), 03 (ba) cá thể thú (đã chết) là loài Cheo cheo (có tên khoa học là Tragulus javanicus), 04 (bốn) cá thể thú (đã chết) là loài Cầy vòi hương (có tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus), 04 (bốn) cá thể thú (đã chết) là loài Sóc bay trâu (có tên khoa học là Petarista petaurista), 04 (bốn) cá thể Rùa Sa nhân (có tên khoa học là Cuora mouhotii) đều thuộc nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Căn cứ số lượng và loài động vật bị cáo S tàng trữ theo Kết luận giám định và căn cứ quy định tại Điều 244 BLHS. HĐXX xét thấy, có đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hành vi của bị cáo S về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 3 Điều 244 BLHS, nên Thẩm phán Chủ tọa và HĐXX đã trả hồ sơ 02 lần, đề nghị VKSND huyện Nam Giang truy tố bị cáo S theo điểm a khoản 3 Điều 244 BLHS, nhưng VKSND huyện Nam Giang không chấp nhận. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự về “Giới hạn của việc xét xử”, HĐXX chỉ xét xử để xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo S đối với hành vi tàng trữ 01 (một) cá thể thú (đã chết) là loài Cầy gấm (có tên khoa học là Prionodon pardicolor) thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ, và kết luận hành vi của bị cáo Đinh Thị Sinh phạm “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS, như Bản cáo trạng đã truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Còn đối với hành vi bị cáo S thực hiện việc nuôi, nhốt trái phép 15 (mười lăm) cá thể Rùa hộp trán vàng miền trung (còn sống) là loài động vật thuộc Phụ lục I Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ, mà VKSND huyện Nam Giang không truy tố. HĐXX kiến nghị VKSND tỉnh Quảng Nam, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét giải quyết theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244; điểm r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của BLHS: Tuyên bố bị cáo S phạm “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Xử phạt bị cáo S 12 (mười hai) tháng tù.

Tại phiên tòa, bị cáo đã tỏ ra ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội và hứa sẽ cải tạo tốt để được sớm trở về với gia đình, xã hội trở thành một công dân tốt, sống có ích.

Việc đưa vụ án ra xét xử công khai đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, đồng thời tăng cường tính cảnh báo, răn đe đối với những người đang và có ý định xâm phạm đến tài nguyên rừng trái pháp luật.

 

Tác giả bài viết: Lê Thị Linh Giang – Thư ký Toà án.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xét xử vụ án hình sự về tội “Đánh bạc”

Ngày 09/3/2021, Tòa án nhân dân huyện Nam Giang mở phiên toà xét xử công …

X